You are currently viewing Dạy trẻ phát triển khả năng sáng tạo qua các trò chơi

Dạy trẻ phát triển khả năng sáng tạo qua các trò chơi

Mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, vấn đề là người lớn có biết các phương pháp khuyến khích trẻ, có giành đủ thời gian tương tác tích cực với chúng, có chỉ bảo cho chúng những nhiệm vụ, trò chơi hay tình huống đòi hỏi phải có hành vi sáng tạo hay không?

Chơi xếp hình

Lắp ghép đồ chơi khối giúp trẻ học kỹ năng giải quyết vấn đề, xây dựng trí tưởng tượng. Một bộ đồ chơi xếp hình cũng là công cụ kết nối phụ huynh và con một cách hiệu quả. Khi mới bắt đầu, ba mẹ và trẻ có thể lắp ghép tự do, không theo khuôn mẫu. Nhưng khi các bé đã thành thạo, ba mẹ có thể gợi ý con lắp ghép mô phỏng đồ vật, hình tượng yêu thích. Chẳng hạn bé 9 tuổi thích ôtô, bạn mua bộ xếp hình ôtô và khuyến khích trẻ lắp ghép chiếc xe mơ ước.

Bằng cách gợi ý một mục tiêu cụ thể, trẻ phải xây dựng kế hoạch thực hiện nó với những nguyên vật liệu sẵn có. Điều này giúp các em trau dồi khả năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề để ứng biến với thực tế.

Nấu ăn

Mặc dù trẻ em có thể làm rối tung căn bếp, nấu ăn là cơ hội hữu ích dạy trẻ về kỹ năng giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo. Khi trẻ còn nhỏ, bạn có thể bắt đầu với công thức đơn giản như làm bánh. Việc trang trí bánh hoặc sáng tạo những công thức bánh sẽ kích thích khả năng tư duy sáng tạo của trẻ. Đừng quên gợi ý cho trẻ thực phẩm thay thế trong trường hợp nguyên liệu cần sử dụng đã hết.

Nếu trẻ lớn hơn, bạn có thể dạy con những món ăn cầu kỳ, phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng. Hãy bắt đầu từ một món ăn cụ thể đến một mâm cơm gia đình đầy đủ chất dinh dưỡng.

Việc nấu ăn còn có thể giúp giữ chân trẻ ở một chỗ lâu hơn nhưng không tạo cảm giác nhàm chán. Thông qua hoạt động này, bạn sẽ có một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để trò chuyện, chia sẻ cùng con giúp tăng sự gắn kết gia đình.

Vẽ tranh

Khi nói đến hoạt động sáng tạo, không thể không nhắc đến hoạt động đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao như vẽ tranh. Chỉ với một tờ giấy, hộp màu, bút chì và tẩy, trẻ có thể thể hiện bản thân đồng thời biểu đạt ý tưởng sáng tạo trong đầu.

Ngoài vẽ tranh, bạn có thể cùng con làm đồ thủ công như gấp thuyền, làm hoa từ giấy ăn, đồ vật trang trí nhà cửa. Bạn có thể không khéo tay, sản phẩm làm ra cũng có thể không hoàn mỹ, nhưng đây là quãng thời gian bổ ích để gắn kết gia đình, khơi gợi sự tò mò, sáng tạo của trẻ và giúp các em không cảm thấy nhàm chán khi phải ở lâu trong nhà.

Xem thêm: Học vẽ có thật sự giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo?

Đọc sách và kể chuyện

Đọc sách và kể chuyện thường là hoạt động dạy học tại trường nhằm giúp trẻ trau dồi khả năng đọc hiểu và kỹ năng diễn thuyết. Đây là hoạt động học đơn giản, sáng tạo mà phụ huynh có thể áp dụng tại nhà.

Hầu hết trẻ em đều thích những câu chuyện nội dung thú vị, nhân vật sinh động và phụ huynh nên nuôi dưỡng tình yêu này bằng cách khuyến khích các em đọc sách. Khi trẻ còn nhỏ, bạn có thể đọc sách cho con hoặc tìm những cuốn sách phù hợp với trình độ để giúp cải thiện kỹ năng đọc hiểu.

Tuy nhiên, bạn cũng nên đọc cho trẻ những câu chuyện phức tạp hơn để kích thích trí tò mò. Điều này sẽ tạo động lực cho các em cải thiện ngôn ngữ để tự thưởng thức và tìm hiểu về nội dung cuốn sách.

Đối với những đứa trẻ lớn hơn, bạn hãy khuyến khích con đọc sách về nhiều chủ đề, đặt câu hỏi nhằm giúp trẻ thẩm thấu nội dung sâu hơn.

Hi vọng bài viết đem lại lợi ích cho các thầy, cô và các vị phụ huynh

Trung tâm phát triển kỹ năng trẻ ArtCreati

ArtCreati mỹ thuật sáng tạo cho trẻ

221 Thích Quảng Đức, P.4, Quận Phú Nhuận, TP.HCM

M: 0886.002.680 – 0886.002.860

E: admin@artcreati.com

# ArtCreati

Trả lời